Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Việc chuyển đổi này mang lại nhiều lợi ích quan trọng.
Trước hết, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả.
Đồng thời, chuyển đổi xanh tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hơn nữa, nó tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu và các khủng hoảng khác, thông qua các hệ thống quản lý thông minh và công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, chuyển đổi này còn mở ra nhiều cơ hội mới trong việc phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mới, tạo ra việc làm và thúc đẩy sáng tạo.
1. Cơ sở lý thuyết về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
1.1. Chuyển đổi số là gì?
Khái niệm chuyển đổi số được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nhìn chung, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được xác định là “việc tích hợp và áp dụng công nghệ số nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh, quản lý, năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những giá trị mới.”
Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm việc số hóa dữ liệu quản lý và kinh doanh, sử dụng công nghệ số để tự động hoá và tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ và quản lý, cải tiến quy trình sản xuất và kinh doanh, tối ưu hóa quy trình báo cáo, và cải thiện phối hợp công việc trong doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi số cũng có thể đề cập đến việc thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh nhằm tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.
1.2. Chuyển đổi xanh là gì?
Chuyển đổi xanh (Green Transformation – GX) là thuật ngữ chỉ những nỗ lực nhằm đạt được một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường. Khái niệm này bao gồm một tập hợp các chính sách, chiến lược và thực tiễn với mục tiêu đảm bảo tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.
Chuyển đổi xanh là việc xây dựng nền kinh tế với mức phát thải từ thấp đến rất thấp dựa trên tiêu chuẩn về phát triển xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời ngăn chặn tình trạng suy giảm đa dạng sinh thái. Một nền kinh tế xanh được cụ thể hóa với những nhà máy và xí nghiệp ít khói bụi, sử dụng nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo. Cụ thể hơn, doanh nghiệp theo xu hướng chuyển đổi xanh sẽ vận hành hoạt động sản xuất và kinh doanh thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.
Chuyển đổi xanh đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển đổi cách thức kinh doanh hiện nay nhằm tạo ra tăng trưởng đồng thời bảo vệ nguồn lực, chuyển đổi hiệu quả ở cấp độ quy trình, vận hành, sản phẩm, mô hình kinh doanh và văn hóa.
2. Thực trạng về tình hình chuyển đổi kép và các xu hướng công nghệ số nổi bật.
2.1. Chuyển đổi số cần song hành với chuyển đổi xanh
Trên thế giới, các xu hướng công nghệ trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã có tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế, thay đổi cách thức doanh nghiệp vận hành, mang đến những mô hình kinh doanh, tăng trưởng mới. Sau giai đoạn COVID-19, xu hướng này được đẩy mạnh hơn thông qua việc các doanh nghiệp, các tổ chức đã áp dụng mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ số. Đây là yếu tố góp phần rút ngắn thời gian chuyển đổi số lên tới vài năm so với điều kiện bình thường. Doanh nghiệp đã tăng tốc quá trình số hóa các hoạt động kinh doanh liên quan tới khách hàng, chuỗi cung ứng, hệ thống quản lý nội bộ nhanh hơn từ ba đến bốn năm. Thêm vào đó, tỷ trọng các sản phẩm số hoặc sản phẩm hỗ trợ bằng công nghệ số trong danh mục sản phẩm cũng có sự phát triển vượt bậc tương đương với chu kỳ hơn bảy năm. Thậm chí khi đại dịch COVID-19 đã kết thúc, các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới vẫn tin rằng doanh nghiệp cần tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để làm mới tổ chức, nắm bắt những cơ hội tăng trưởng mới, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và đạt được những kết quả kinh doanh tốt hơn.
Bên cạnh xu hướng công nghệ số, rủi ro về môi trường cũng là một xu thế yêu cầu sự thay đổi, chuyển dịch trong các hoạt động kinh tế, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như của các nền kinh tế. Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy các vấn đề liên quan đến môi trường tiếp tục là một trong năm thách thức toàn cầu lớn nhất, nếu xét về khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng. Với mức dự báo chỉ giảm 7.5% lượng phát thải khí nhà kính như mức độ cam kết toàn cầu cho đến năm 2030 như hiện nay, biến đổi khí hậu sẽ là một rủi ro lớn tác động đến các quốc gia, các nền kinh tế.
Việc chuyển đổi số cũng tạo ra áp lực và thách thức lớn cho quá trình chuyển đổi xanh. Hai quá trình chuyển đổi này không thể tách bạch khi hướng tới phát triển bền vững, mà cần tương hỗ cho nhau. Để thực hiện cam kết được đặt ra tại Hiệp định Paris, thế giới cần giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Những mục tiêu phát triển bền vững này đang đặt ra những thách thức lớn đối với chiến lược và mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp đều coi việc chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và đưa doanh nghiệp tiến lên. Thực tế cho thấy việc chuyển đổi số cũng có thể dẫn đến những tác động tiêu cực với môi trường. Một mặt khác sự phát triển vượt bậc của công nghệ số cũng là cơ hội thúc đẩy sự chuyển đổi của các ngành có lượng khí thải cao theo hướng hiệu quả, tuần hoàn và bền vững hơn.
Trong những năm trở lại đây, mặc dù mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành sự ưu tiên của hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp và các chính phủ, hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế. Do vậy, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, các doanh nghiệp cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược chuyển đổi số, để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường. Đây chính là lý do xu hướng Chuyển đổi Kép – “Chuyển đổi số đồng hành cùng Chuyển đổi xanh” đang ngày càng được chú trọng, đặc biệt tại các quốc gia châu Âu. Không những vậy, nhu cầu về Chuyển đổi Kép cũng cần được đặc biệt quan tâm tại các quốc gia, nền kinh tế đang phát triển và mới nổi – nơi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi nhằm đáp ứng biến đổi khí hậu vẫn còn đang ở giai đoạn bắt đầu.
2.2. Kinh nghiệm trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tại Việt Nam
Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng, và ngày càng nghiêm trọng trên quy mô rộng dẫn đến các thiên tai chưa từng có trong lịch sử, gây thiệt hại về tính mạng và mất cân bằng đa dạng sinh học trên diện rộng. Những sự thay đổi này có thể mang đến hậu quả lâu dài và không thể khôi phục. Vì vậy, trong những năm gần đây trên toàn thế giới, xu hướng chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh đã trở nên ngày càng quan trọng với nhiều sáng kiến được triển khai xoay quanh ba trụ cột chính: (1) tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; (2) tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; (3) giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính. Một số quốc gia đã thành công trong việc kết nối các mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để giảm thiểu hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời bảo vệ khả năng chống chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số mang tới cơ hội nâng cao năng suất, tiếp cận kiến thức mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các sáng kiến đổi mới. Cũng như các thị trường mớinổi khác, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với nền kinh tếViệt Nam trong những năm gần đây. Việt Nam đã tiếp cận thành công các cơ hội từ Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số để xác định rõ những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nhằm trở thành một cường quốc số trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số với các dịch vụ 5G và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, với trọng tâm là nền kinh tế số sẽ chiếm30% tổng GDP của Việt Nam vào năm2030.
Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh cũng là một trong các ưu tiên hàng đầu tại các nền kinh tế đang phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường và thách thức đan xen. Đặc biệt đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường được xem là sự lựa chọn tất yếu và là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực. “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” đã đặt ra các mục tiêu cụ thể gồm:
– Giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP với mức giảm tối thiểu so với năm 2014 là 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050;
– Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường;
– Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Tương tự như các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, giải pháp công nghệ số và chuyển đổi số được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Điều này cho thấy Chuyển đổi Kép – chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng Chuyển đổi Kép chỉ ra sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh. Trong đó, dựa trên những nghiên cứu, đánh giá sử dụng dữ liệu bằng sáng chế, 16 công nghệ xanh và 11 công nghệ số được lựa chọn là nền tảng cho chuyển đổi kép.
Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh. Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).
Có thể nói chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam vì đây là yêu cầu cấp thiết cho tương lai. Vì vậy, để khai thác tiềm năng phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030” và “Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, Việt Nam cần có những biện pháp quyết liệt và nhanh chóng trong cuộc đua này.